Nền nông nghiệp Việt Nam đang lệ thuộc vào xuất khẩu
Việt Nam đang có 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới tuy nhiên đối với mặt hàng lúa xuất khẩu đạt mức 3 tỷ USD nhưng chi phí lại mất 2,9 tỷ USD. Bên cạnh thuốc trừ sâu và phân bón, số tiền đó còn phải chi cho nguồn giống.
Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, mặt hàng xuất khẩu rau quả đạt 1,7 tỷ USD tăng 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 18,6% vào tổng giá trị các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu, trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sau cà phê
Mặc dù vậy, số đơn đăng ký bảo hộ bản quyền giống cho ngành rau quả lại chỉ đạt 13,7% tương đương với hơn 120 đơn rau quả trong tổng số 893 đơn (tính cả số đơn đăng ký bảo hộ của các công ty nước ngoài).
Mặt hàng cà phê cũng gặp phải tình trạng tương tự khi mà kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 831.000 tấn trong 6 tháng đầu năm nhưng lại chưa có giống cà phê nào được bảo hộ. Hiện nay, tổng số đơn đăng ký bảo hộ cho các giống không thuộc nhóm lúa, ngô, cây công nghiệp ngắn ngày , rau, hoa và cây ăn quả cho đến nay cũng chỉ đạt 15 đơn bao gồm cả đơn có chủ thể là người nước ngoài.
Như vậy, nếu đứng trên cương vị một đất nước nông nghiệp và coi nông sản là một thế mạnh xuất khẩu như nước ta thì con số trên chưa thực sự chính đáng. Điều này đã phần nào chứng minh Việt Nam đang bị lệ thuộc nghiêm trọng vào giống nhập khẩu của cả nền nông nghiệp. Nếu tình trạng này kéo dài, dù lượng hàng xuất khẩu lớn, doanh số thu về cao thì phần lớn lợi ích cũng sẽ chảy ra ngoài.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có ghi nhận rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra được lợi ích và giá trị của việc bảo hộ bản quyền giống, thể hiện ở tốc độ gia tăng số đơn đăng ký. Song song với thách thức cần tìm biện pháp khắc phục đối với lĩnh vực bảo hộ giống thì đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng.